Phòng và cách chữa kiến ba khoang

Ở ký túc xá, khu chung cư, kiến ba khoang là một nỗi lo thường trực với mọi người. Để phòng tránh kiến ba khoang, cũng như biết cách xử lý khi bị viêm da do độc tố của kiến, mời bạn tìm hiêu một số thông tin dưới đây.
Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc Họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Cánh cứng. Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm), nhiều màu sắc khác nhau, nhìn giống con kiến. Thân chúng có màu đen và cam, với đầu màu đen. Râu dài hình sợi chỉ, chân chạy nhanh, cánh ngắn đến nửa thân mình, cuối bụng nhọn có hai đuôi nhỏ.
Thức ăn chủ yếu của kiến ba khoang là rệp, rầy, các loài ấu trùng nhỏ. Kiến ba khoang có thể bò trên mặt nước, thích ăn côn trùng như ăn bọ hóng ... Kiến ba khoang không nguy hiểm như các loài côn trùng gây bệnh muỗi vằn, bọ xít,…kiến ba khoang chỉ gây hại khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp.
Con trưởng thành rất thích bay vào bóng đèn, đặc biệt đèn ánh sáng xanh. Con trưởng thành có thể sống vài tháng và sinh sản ra khoảng 2 - 3 thế hệ/năm.

Thời điểm và nơi xuất hiện xuất hiện
Kiến ba khoang thường ẩn náu ở bờ ruộng, dưới những đống vật liệu dư thừa, quanh gốc rạ, bãi cỏ, bụi cây, ruộng rau, những nơi đang xây dựng dở dang, những bãi rác thải.
Loài này xuất hiện vào mùa côn trùng phát triển, thường là đầu mùa mưa khi có ẩm độ cao, nhất là sau các đám mưa lớn đầu mùa. Vào mùa mưa chúng sẽ di trú ở nơi khô ráo hơn. Sau những cơn mưa bị ngập nước không còn nơi cư trú, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn...

Tại sao kiến gây độc
Trên cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn. Pederin có trong máu con vật. Khi con vật đã chết khô và để trong 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại. Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng đó hoặc vô ý đập làm cho côn trùng chết trên da thì sẽ xuất hiện bệnh ngay tại vùng đó.

Biểu hiện bệnh

  • Bệnh thường xuất hiện đột ngột sau buổi sáng ngủ dậy, ở những vùng hở như: cổ, mặt, tay, chân..., Cũng có thể ở những vùng da khác nhưng ít gặp hơn, thường là một thương tổn ở một hoặc hai bên, viêm đỏ giống như vết cào xước, có xu hướng tạo thành vệt dài.
  • Người bệnh cảm thấy bỏng rát, phù nhẹ, ít ngứa, kèm theo nhiều mụn nhỏ có màu vàng nhạt giống như mụn mủ, ở những nếp gấp thì thương tổn có thể bị cả 2 bên mặt.
  • Nếu điều trị đúng thì sau khoảng 5 đến 7 ngày tổn thương sẽ khô, toàn trạng thường không mấy thay đổi, có thể bội nhiễm hoặc lan rộng và thành dịch.

Chữa bệnh

  • Không được chà xát làm độc tố của chúng lan rộng ra vì độc tố của chúng có thể gây tổn thương da lan tỏa. Một số người không biết đã lấy tay giết kiến sau đó vô tình sờ lên mặt hoặc gãi lên da đã tạo thành những vết tổn thương dài. Hoặc thương tổn ở cẳng tay khi ngủ vắt tay lên trán làm tổn thương lan sang trán, thương tổn ở bắp chân lây sang mặt sau đùi khi ngồi xổm, thương tổn ở mặt gấp cẳng tay thì lan sang cánh tay khi gấp tay lại... Những thương tổn dạng như trên được gọi là “thương tổn hôn nhau” (kissing lesson) là dấu hiệu đặc thù chỉ có trong viêm da tiếp xúc do côn trùng.
  • Khi mới tiếp xúc với độc tố của kiến chỉ có đỏ da và ngứa nên dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch các chất gây bỏng của côn trùng bám lên da, sau đó dùng hồ nước bôi lên để làm mát da, dịu da.

  • Khi đã nổi mụn nước, phỏng nước có thể bôi hồ nước, đắp dung dịch yaris giúp mát da, dịu da và làm khô, sạch tổn thương. xanh methylen

  • Nếu có xuất hiện mụn mủ dùng các dung dịch màu như xanh methylen, milian, castellani bôi lên tổn thương giúp sát khuẩn, khô sạch tổn thương. Chú ý, khi bôi không nên dùng castellani cho trẻ em vì thuốc này có thể làm trẻ đau rát khi bôi. Khi tổn thương không còn chảy dịch, khô lại có thể sử dụng mỡ kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp tổn thương mau lành.

Phòng bệnh

  • Dọn các đống rác thải, vật liệu xây dựng, phát quang cây cỏ bụi rậm quanh nhà. Phun thuốc để diệt kiến nếu kiến phát triển trên diện rộng.
  • Trồng cây có tác dụng đuổi côn trùng như sả, dạ hương…
  • Cửa làm lưới ngăn côn trùng; không có lưới che thì nên đóng lại mỗi khi có mưa vào buổi chiều tối.
  • Chú ý với ánh đèn: buổi tối không nên ngồi gần các nguồn sáng xanh như bóng đèn nê ông. Có thể bật đèn ban công để thu hút kiến, côn trùng ra chỗ đó. Trong nhà nên thắp bóng đèn có ánh sáng vàng, đỏ. Ra ngoài đường tránh đứng ngay chỗ bóng đèn sáng.
  • Có thể bẫy kiến 3 khoang bằng cách đặt một bóng đèn ở ngoài căn nhà, phía dưới có đặt chậu nước, kiến sẽ bị ánh sáng phản chiếu, thu hút đến và chết ở chậu nước đó.
  • Giũ sạch quần áo, khăn, chăn màn: Không phơi quần áo, khăn mặt ở bên ngoài mỗi khi có mưa vào buổi chiều tối. Mặc quần áo dài, quan sát kỹ đồ vật trước khi sử dụng, giũ sạch khăn mặt, khăn lau, quan sát kỹ trước khi lau. Quần áo phơi xong, trước khi cất hay mặc cần giũ mạnh để loại bỏ kiến bám. Nơi có kiến nên thường xuyên quét dọn nhà cửa, giũ chăn màn, giường chiếu trước khi nằm.
  • Nếu phát hiện côn trùng thì tránh tiếp xúc trực tiếp, tìm cách loại chúng đi mà không để côn trùng tiếp xúc với da của mình.
  • Có thể giết kiến trực tiếp thông qua các dụng cụ hỗ trợ như găng tay, vỉ bắt ruồi để tránh tiếp xúc trực tiếp độc tố của kiến tới da.

2 comments: